Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Tuổi thọ người dân Mỹ giảm

Tuổi thọ người dân Mỹ giảm

Trong năm 2016, tuổi thọ trung bình của toàn thể người dân Mỹ là 78,6. Con số này thấp hơn 0,1 năm so với năm 2015.

Tuổi thọ của nam giới giảm từ 76,3 tuổi (năm 2015) xuống còn 76,1 tuổi vào năm 2016; trong khi ở nữ giới vẫn duy trì 81,1 tuổi. Số liệu này vừa được CDC công bố vào ngày 21/12/2017.

Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong năm 2016 là bệnh tim, tiếp theo là ung thư, chấn thương ngoài chủ ý như dùng thuốc quá liều và tai nạn ô tô, bệnh suy giảm hô hấp như hen và đột quỵ. 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu còn có bệnh Alzheimer, tiểu đường, cúm và tiêu chảy, bệnh thận và tự tử.

LiLy

(theo Science News)

Coi chừng viêm phổi lúc trời chuyển lạnh!

Bệnh viêm phổi được xác định là bệnh của phổi, chủ yếu do nhiễm vi khuẩn và virút gây nên. Thực tế có hai dạng viêm phổi là viêm phổi thùy và viêm phổi đốm, vì vậy cần biết vấn đề này để phát hiện, chẩn đoán và điều trị phù hợp; đồng thời cũng lưu ý các biện pháp cần thiết để phòng bệnh.

Hai thể bệnh viêm phổi

Viêm phổi thùy: thường do loại phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) gây ra. Những tổn thương viêm phổi thùy thường khu trú ở một phần của thùy phổi hay cả thùy phổi, có thể ở một bên phổi hay cả hai lá phổi. Trong giai đoạn sung huyết, vùng phổi bị tổn thương có dấu hiệu sung huyết với các mạch máu giãn ra; thoát hồng cầu, bạch cầu, tơ huyết vào phế nang, cấy dịch thấy có nhiều phế cầu khuẩn. Ở giai đoạn gan hóa đỏ thường sau 1 - 2 ngày, thùy phổi viêm có màu đỏ và chắc như gan, dịch phế nang có nhiều hồng cầu và bạch cầu, cấy dịch thấy có nhiều phế cầu khuẩn. Vào giai đoạn gan hóa xám, khi bạch cầu thay thế dần hồng cầu thì màu đỏ chuyển sang màu xám, phổi chắc như gan, màu nhạt; trong phế nang có nhiều đại thực bào và bạch cầu, ít hồng cầu. Cuối cùng giai đoạn gan hóa vàng là giai đoạn lui bệnh, phổi trở lại màu nâu, hơi vàng, bạch cầu thoái hóa bị phân hủy, các đại thực bào dọn sạch phế nang.

Viêm phổi đốm: còn gọi là viêm phế quản phổi có đặc điểm là viêm từng ổ, vùng phổi lành xen kẽ với vùng phổi bị tổn thương. Các ổ tổn thương xuất hiện sớm hay muộn khác nhau, tiểu phế quản cũng bị viêm. Nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau. Nét đặc trưng của loại viêm phổi này là có tiết dịch phế nang, tổ chức nhu mô phổi như tiểu phế quản tận cùng, ống và túi phế nang cũng bị viêm nhiễm, khối nhu mô phổi bị đông đặc. Một thuật ngữ viêm phổi cũng đã được dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở phổi. Tổn thương xảy ra rải rác ở cả hai lá phổi, vùng phổi bị tổn thương xen kẽ với vùng phổi lành và dấu hiệu tổn thương không xuất hiện cùng một thời gian, phế quản thường bị thương tổn nặng, chung quanh là những ổ viêm phổi rộng hẹp thất thường.

Coi chừng viêm phổi lúc trời chuyển lạnh!

Triệu chứng bệnh lý và chẩn đoán viêm phổi

Viêm phổi thùy: bệnh nhân có triệu chứng đau ngực đột ngột, đau vừa phải hoặc đau dữ dội, đau ở vùng dưới vú, đau ở bên phổi bị tổn thương hay ở phía đối diện; cơn đau có thể lan xuống vùng dưới gan, ruột thừa; đau tăng lên khi vận động, ho, thở mạnh. Kèm theo là triệu chứng khó thở với mức độ vừa phải, tần số thở trên 25 lần mỗi phút, bệnh nhân không dám thở sâu vì đau ngực, môi có thể tím tái nhẹ. Triệu chứng ho lúc đầu là ho khan, sau đó có đờm; ho làm triệu chứng đau ngực tăng lên; dấu hiệu khạc đờm lúc đầu là đờm nhầy, quánh dính, khó khạc ra; có khi đờm màu hồng, màu gỉ sắt, thường là chất nhầy mủ. Người bệnh có cơn rét run xuất hiện đồng thời với triệu chứng đau ngực, đây là biểu hiện không có thường xuyên. Trái lại triệu chứng sốt rất hay gặp, có thể xuất hiện cùng cơn rét run, nhiệt độ tăng nhanh có khi tới trên 400C; nếu không điều trị thì sốt kéo dài nhiều ngày, mạch nhanh. Đôi khi có dấu hiệu tâm thần như: lú lẫn, mau quên, chán ăn. Nước tiểu ít và có màu sẫm. Cần phát hiện dấu hiệu bệnh lý sớm nếu bệnh nhân bị sốt dù sốt nhẹ hoặc có triệu chứng cơ năng không rõ ràng. Khi nhìn có thể thấy dấu hiệu lở mép miệng, gò má đỏ, giảm giãn nở lồng ngực bên bị thương tổn. Khi sờ có dấu hiệu rung thanh âm tăng ở một vùng phổi. Nếu nghe ở vùng gõ đục phát hiện 3 triệu chứng cơ bản như mất tiếng rì rào phế nang, có ran nổ, tiếng thổi ống luôn có tiếng ran nổ và nghe rõ nhất ở thì thở vào; những triệu chứng này không rõ khi có kèm theo tràn dịch màng phổi, lúc đó có thể nghe tiếng cọ của màng phổi, nếu tổn thương nhỏ và ở sâu thì không nghe thấy gì. Trên phim chụp X-quang thấy một hình mờ đậm không đều, điển hình là thấy rõ giới hạn của một thùy phổi, không có dấu hiệu co kéo; hình ảnh thường thấy là hình tam giác mà đỉnh hướng vào phía bên trong rốn phổi và đáy hướng ra ngoài; nếu chụp nghiêng thấy bóng mờ có giới hạn rãnh liên thùy; hiện nay do sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh nên có thể làm thay đổi các hình ảnh trên phim chụp X-quang điển hình của viêm phổi thùy.

Viêm phổi đốm: thường xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Người già yếu cũng có khả năng bị viêm phổi đốm hay viêm phế quản phổi sau bệnh sởi, cúm, ho gà, hôn mê hoặc có bệnh mãn tính phải điều trị lâu. Nguyên nhân gây bệnh thường do các loại phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), liên cầu khuẩn (Streptococcus), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), trực khuẩn gram âm, virút cúm, Adenovirus... Bệnh xảy ra từ từ, có khi đột ngột lúc bệnh tiên phát rút lui, sốt trở lại khoảng 39 - 400C; ở trẻ sơ sinh và người già triệu chứng sốt không rõ rệt, thân nhiệt có thể hạ. Người bệnh ho có đờm, có thể ho nhiều hoặc ít. Khó thở nông và khó thở cả hai thì, nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, các cơ hô hấp co rút nhiều hoặc ít; ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có thể có cơn ngừng thở ngắn, trường hợp nặng có rối loạn nhịp thở. Dấu hiệu tím tái ở mức độ nhẹ và rất kín đáo; ở trẻ em biểu hiện tím tái xuất hiện khi khóc, khi bú; trường hợp nặng thì tím môi, tím đầu các chi và mặt. Khi sờ phát hiện dấu hiệu rung thanh âm từng vùng. Nếu gõ nghe đục từng vùng xen kẽ với vùng phổi không bị tổn thương. Nghe hai phế trường có ran nổ hoặc ran ướt. Nhịp tim nhanh, mạch nhanh và nhỏ, có thể trụy tim mạch hoặc suy tim. Trẻ em có thể bỏ bú, nôn mửa, tiêu chảy. Ở người lớn thường có hội chứng đau bụng cấp tính, có thể có vàng da và vàng mắt... Triệu chứng thần kinh cũng được ghi nhận như co giật, li bì, hôn mê... Trên phim chụp X-quang thấy đặc điểm hai phế trường có những đám mờ không đều. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng 10.000 - 15.000/mm3 máu, đặc biệt bạch cầu đa nhân trung tính tăng 80 - 90%, thực tế cũng có thể bạch cầu không tăng cao do bệnh nhân đã dùng thuốc kháng sinh trước đó; tốc độ lắng máu cao, fibrinogen huyết tăng trong giai đoạn cấp tính. Xét nghiệm vi khuẩn trong đờm rất cần thiết để chọn thuốc kháng sinh thích hợp vì dùng kháng sinh thích hợp khi chẩn đoán sớm sẽ có tiên lượng tốt. Cấy máu là kỹ thuật cần làm, nên lấy máu lúc bệnh nhân sốt, kết quả cấy máu rất có ý nghĩa về tiên lượng và điều trị. Việc chọc dò màng phổi thực hiện khi có dấu hiệu tràn dịch màng phổi. Kỹ thuật soi phế quản cần làm khi viêm phổi mạn tính để chẩn đoán loại trừ ung thư phổi.

Coi chừng viêm phổi lúc trời chuyển lạnh!Streptococcus pneumoniae - phế cầu khuẩn thường gây viêm phổi

Trong thực tế, việc chẩn đoán viêm phổi thùy và viêm phổi đốm hay viêm phế quản phổi được xác định cơ bản căn cứ vào hội chứng nhiễm trùng và kết quả phim chụp X-quang. Tuy vậy cũng cần chẩn đoán phân biệt với tràn dịch màng phổi, viêm phổi dưới màng, tràn khí màng phổi, hội chứng Loeffler, ápxe phổi, lao phổi, tắc mạch phổi, ung thư phổi, viêm phổi không điển hình do virút, viêm phổi kẽ do nhiễm Pneumocystis carinii...

Điều trị viêm phổi do nhiễm vi khuẩn

Việc điều trị bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn nói chung có khi rất đơn giản nhưng cũng có những trường hợp rất phức tạp vì có loại vi khuẩn còn nhạy cảm với các kháng sinh phổ rộng và một số vi khuẩn khác lại đề kháng với kháng sinh sử dụng nhất là đối với bệnh nhân nặng.

Điều trị viêm phổi cấp tính thể nhẹ trong lúc chưa có kháng sinh đồ thường sử dụng các loại kháng sinh cổ điển như penicilline G, ampicilline, lincomycine, cephalosporine, sulfamide... và cần điều trị trong khoảng thời gian 2 tuần cho đến khi tình hình khả quan và hình ảnh bệnh lý trên phim chụp X-quang bị xóa đi. Nếu bệnh nhân không khả quan hơn và khi đã có kháng sinh đồ thì nên xử trí điều trị theo kết quả ghi nhận là điều cơ bản. Cần chọn một hoặc nhiều kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn. Trường hợp lần đầu tiên dùng kháng sinh có hiệu quả thì nên duy trì kháng sinh đó và phối hợp thêm với một loại kháng sinh khác vì tác dụng của kháng sinh trên người không phải khi nào cũng giống như trên kết quả xét nghiệm, vì vậy cần xét nghiệm lại kháng sinh đồ nếu cần. Ngoài ra nên phối hợp các phương pháp khác làm tăng tác dụng của kháng sinh và làm cho bệnh nhân dễ chịu. Sử dụng thêm thuốc làm long đờm, thuốc giảm ho khi bị mất ngủ, ho khan kéo dài. Bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tại chỗ, tránh nhiễm lạnh.

Điều trị viêm phổi nặng cần lưu ý vì thể bệnh này thường xảy ra ở cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém hoặc vi khuẩn có độc lực mạnh nên sẽ có nhiều biến chứng và đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt vì trên thực tế việc điều trị viêm phổi ở những bệnh nhân gầy yếu, suy nhược khó hơn là viêm phổi ở các người bệnh khác. Nên sử dụng kháng sinh liều cao và phối hợp các loại kháng sinh có hiệu lực, cho thở oxy ngắt quãng, không nên dùng thuốc an thần ức chế hô hấp, bổ sung nước và chất điện giải cho bệnh nhân tuổi cao nhất là nước hoa quả; khi có dấu hiệu mất nước cần truyền dịch. Theo dõi tình trạng tim mạch, công tác hộ lý phải chu đáo, chống loét do nằm lâu; xoa bóp, gõ, rung lồng ngực để gây ho, khạc đờm; nếu có suy hô hấp phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. Đối với bệnh nhân nghiện rượu, cần dùng kháng sinh liều cao và phối hợp kháng sinh. Đối với trẻ sơ sinh, cần hút đờm dãi và dùng liệu pháp oxy. Nếu bị suy hô hấp, trụy tim mạch cần dùng thêm corticoides. Việc điều trị viêm phổi do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc cần làm kháng sinh đồ để sử dụng loại kháng sinh thích hợp, đáp ứng có hiệu quả.

Điều trị viêm phổi do nhiễm virút

Đối với thể bệnh nhẹ, không cần phải điều trị triệu chứng mà chủ yếu là nghỉ ngơi, ăn uống các chất dễ tiêu hóa, sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm bằng biểu hiện ho, khạc đờm. Đối với thể bệnh nặng, có dấu hiệu suy hô hấp cần điều trị tăng cường như thở oxy, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, dùng nước và chất điện giải theo nhu cầu và theo dõi tại khoa hồi sức cấp cứu. Về điều trị đặc hiệu, virút không hoạt động được khi ở ngoài tế bào do đó chúng bắt buộc phải xâm nhập vào trong tế bào, các nhà khoa học đã nghiên cứu những chất ức chế sự xâm nhập của virút vào trong tế bào bằng chất enzym làm vô hiệu hóa các chất cảm thụ của tế bào, ngăn cản virút dính vào tế bào. Có thể sử dụng kháng sinh trong các trường hợp viêm phổi do nhiễm virút có bội nhiễm vi khuẩn. Lưu ý trong thời gian có dịch bệnh lây lan phải dự phòng bằng phương pháp cách ly bệnh nhân và tẩy uế nhưng rất khó thực hiện vì bệnh có thể lây lan nhanh như virút cúm. Việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh rất cần thiết nhất là đối với trẻ em nhưng trên thực tế khó đạt được yêu cầu vì môi trường có nhiều ổ chứa virút. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với các trường hợp viêm phổi do nhiễm virút là cách ly, tẩy uế và tiêm chủng vắcxin.

Lời khuyên của thầy thuốcĐể phòng bệnh viêm phổi, cần giữ ấm cổ và ngực, tránh bị lạnh đột ngột. Điều trị tích cực các ổ nhiễm trùng vùng mũi họng như viêm xoang có mủ, viêm amiđan có mủ, viêm sùi vòm họng VA (végétation adénoides) ở trẻ em. Điều trị hiệu quả các đợt diễn biến cấp tính của bệnh viêm phế quản mạn tính, tiêm phòng vắcxin chống cúm; cách ly, tẩy uế là biện pháp cần thiết. Sau khi phẫu thuật các bệnh ở vùng tai mũi họng, cần sử dụng kháng sinh để đề phòng viêm phổi. Đối với trẻ em bị ho gà, sởi, thủy đậu... phải theo dõi biến chứng phế quản-phế viêm; lưu ý sử dụng kháng sinh thích hợp khi có dấu hiệu nhiễm trùng như ho, khạc đờm.

BS. NGUYỄN TR M ANH

Hội chứng MSBP: Căn bệnh bí ẩn nhưng không có bằng chứng

Hội chứng MSBP là gì?

Hội chứng MBSP (Munchausen syndrome by proxy) được đặt theo tên gọi của bác sĩ người Đức thế kỷ 18, Karl Friedrich von Munchhausen, người tìm ra căn bệnh này. Thuật ngữ Munchausen syndrome by proxy lần đầu được sử dụng trong y học hiện đại vào năm 1977 bởi một bác sĩ người Anh Roy Meadow. Vị bác sĩ này phát hiện thấy MSBP là những người giả vờ ốm để được chăm sóc y tế, họ tự làm cho bản thân mắc những triệu chứng kinh khủng bằng cách tự gây thương tích hoặc tự tiêm chất độc vào người để liên tục đến bệnh viện chữa trị. Bệnh nhân MSBP có thể từng bị lạm dụng về thể chất hoặc tình dục khi còn bé, từng sống trong gia đình mà họ phải giả vờ bệnh để được yêu thương. Hiếm hoi, có trường hợp gây ra bởi một thành viên hoặc cha mẹ trong gia đình, chuyên gia y tế như y tá hoặc bác sĩ, người đã gây ra bệnh ở trẻ làm cho chúng phải nhập viện.

Hội chứng MSBP

Điều những người mắc hội chứng MSBP mong muốn chính là sự chú ý và chăm sóc của người thân lẫn cộng đồng. Họ thường giả vờ ốm đau, cố tình gây thương tích trên cơ thể, từ nhẹ đến nặng, đến các cơ sở y tế khác nhau để được chăm sóc. Thích gây sự chú ý của dư luận bằng cách tự gây thương tích cho bản thân. Trong hầu hết các trường hợp (85%) mắc bệnh MSBP ở trẻ là do người mẹ gây ra. Bệnh nhân thường được yêu cầu điều trị tâm thần lâu dài, có dấu hiệu đi khám thường xuyên, bỏ ra rất nhiều chi phí cho xét nghiệm, điều trị mặc dù bản thân không hề có bệnh. Chính bản thân người bệnh lại không hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Hành động này không đem lại bất cứ lợi ích cá nhân nào, ngoài việc giúp họ có thể đóng giả vai là người bị bệnh.

Cho đến hiện nay nguyên nhân chính xác của hội chứng MSBP vẫn chưa được hiểu hết, các nhà khoa học cho rằng yếu tố về sinh học và tâm lý đóng vai trò quan trọng. Tại Mỹ, Hiệp hội Chống lạm dụng trẻ em (APSAC) coi những người cố ý gây ra thương tích cho con cái là ngược đãi trẻ em, hay còn gọi là hội chứng tâm lý cha mẹ cố ý gây tổn thương cho con cái để được chú ý, chính vì vậy nhóm người này có thể bị buộc tội và kết án tù. Do chứa đựng nhiều bí ẩn nên chẩn đoán MSBP rất khó khăn nhưng có thể dựa vào triệu chứng như: không phù hợp với bệnh đã được chẩn đoán. Cha mẹ hoặc người chăm sóc cảm thấy không yên tâm khi kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì song vẫn tiếp tục tin rằng trẻ đang bị bệnh và tìm đến các bác sĩ khác. Cha mẹ hoặc người chăm sóc đòi hỏi con cần được sự can thiệp sâu hơn của y tế và chuyển con sang cơ sở y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại hơn.

Những khám phá mới về MSBP

Dưới đây là một số khám phá mới về hội chứng MSBP dựa trên những nghiên cứu khoa học vừa được cập nhật trên tạp chí khoa học Listverse của Mỹ số ra đầu tháng 12/2017.

Hội chứng MSBPTrẻ mắc MSBP phần lớn bị lạm dụng thể chất

- Hội chứng MSBP mang đặc thù “mẹ nào con nấy”: theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, một đứa trẻ sống sót sau lạm dụng hay còn gọi là mắc MSBP thì phụ huynh của chúng cũng mắc MSBP. Lý do để giải thích cho hiện tượng này là do có yếu tố “di truyền”, trẻ dễ nhiễm bệnh từ người mẹ, khi còn nhỏ chúng thường gần gũi với người mẹ bị MSBP, thì khi lớn lên chúng cũng dễ giả vờ để được nuôi dưỡng, chăm sóc. Chính xác hơn là giúp chúng nuôi dưỡng cảm xúc mong được quan tâm hơn, đây là một thói quen bất lợi, ích kỷ và nguy hiểm.

- Trẻ mắc bệnh thường do cha mẹ gây ra: nếu trẻ sinh ra trong gia đình có một phụ huynh mắc bệnh MSBP, thì đứa trẻ dễ “nhiễm bệnh” trước 5 tuổi. Đơn giản, trẻ còn quá nhỏ nên không hiểu được tình trạng giả vờ gây bệnh. Khi lớn hơn thường trở thành nạn nhân của bệnh MSBP, tự nguyện đứng về phía cha mẹ để lừa dối và lâu dần trở nên nhiễm bệnh thực sự. Cũng có trường hợp đứa trẻ giả vờ quá lâu và cuối cùng tin rằng mình mắc bệnh thật, điều này càng gây khó khăn cho việc khám và điều trị.

- MSBP phải mất nhiều năm mới chẩn đoán được: phải nói ngay rằng MSBP rất có thể khó chẩn đoán và phải mất nhiều năm. Điều đáng lo ngại hơn là trẻ bị chính cha mẹ, anh chị em ngược đãi khi mắc bệnh MSBP. Trong một nghiên cứu với 83 trẻ em có cha mẹ mắc MSBP thì có 15 đã chết. Nguyên nhân gây tử vong phổ biến cho những đứa trẻ này là “đột tử” còn những đứa trẻ sống sót thì phần lớn bị lạm dụng thể chất.

Do mất nhiều thời gian mới biết bệnh nên trẻ mắc bệnh MSBP có tỉ lệ bị lạm dụng rất cao. Giới chuyên gia ước tính, thời gian trung bình để chẩn đoán MSBP vào khoảng 4 - 5 năm. Nó có thể bắt đầu từ một lời nói dối của các bậc cha mẹ về một đứa trẻ bị sốt và từ đó phát triển thành một cái gì đó thực sự đáng sợ, đứa trẻ bị người mẹ biến thành công cụ để lừa dối ngành y.

- Y học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây MSBP: mặc dù có rất nhiều giả thuyết, vì sao một bà mẹ đẻ con ra lại làm cho đứa trẻ của mình mắc bệnh hoặc nói dối bác sĩ con mình đang mang bệnh? Một số giả thiết cho rằng, nó xuất phát từ hành vi muốn “rủ lòng thương” từ những người xung quanh để nhận được sự chú ý và hỗ trợ từ bạn bè, gia đình cũng như từ chuyên gia y tế. Một trong những đặc thù của nhóm người mắc bệnh MSBP là nằm lỳ, phù hợp với nhu cầu lẫn tính ích kỷ của người bệnh. Ngoài ra, còn có các khả năng khác như rối loạn chức năng não chưa được xác định. Nhiều chuyên gia trị liệu giả định, lạm dụng ở trẻ em cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh MSBP khi trưởng thành.

Hội chứng MSBPMSBP mang đặc thù “mẹ nào con nấy”

- Trẻ bị MSBP cần được giám sát chặt chẽ: nếu bác sĩ nghi ngờ một bệnh nhân trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi cha mẹ mắc MSBP thì phải có phương án can thiệp kịp thời. Cha mẹ mắc hội chứng MSBP thường giả mạo các kết quả xét nghiệm của con cái và nhiều hành vi thiếu trung thực khác. Cách tốt nhất là giám sát bằng video, đây là công cụ giúp bác sĩ có thêm bằng chứng xác thực, đặc biệt là lắp các camera giám sát bí mật. Ví dụ, camera từng ghi lại cảnh cha mẹ cố tình làm ngạt thở, ngộ độc, siết cổ, và thậm chí làm gãy xương con mình. Việc giám sát bằng video đối với một đứa trẻ đôi khi không được cha mẹ cho phép nhưng để cứu đứa trẻ trước nguy cơ bị lạm dụng thì các cơ quan chức năng, và y tế cần phối hợp vào cuộc.

- Nạn nhân không phải luôn luôn là trẻ em: MSBP thường hặp ở trẻ nhỏ do cha mẹ lạm dụng gây ra. Đôi khi, căn bệnh này còn xuất hiện ở người lớn, nhất là nhóm người cao niên. Ví dụ, hai nhà khoa học người Mỹ N.J. Smith and M.H. Ardern mới đây đã phát hiện thấy một người đàn ông 69 tuổi mắc bệnh MSBP được một người bạn gái 55 tuổi đưa vào bệnh viện. Chỉ trong vòng 4 năm, cặp này đã đi khám và điều trị tại 14 cơ sở y tế chuyên khoa khác nhau, được nhiều bác sĩ đa khoa như nha khoa, rối loạn tâm thần, chỉnh hình, da liễu và tiết niệu... thăm khám, nhưng cuối cùng phát hiện thấy mắc bệnh MSBP, chẳng có thuốc nào chữa khỏi. Các bác sĩ từng điều trị cho người đàn ông này cho hay, bệnh nhân này đã “bóc lột” sức lao động của bạn gái, quấy rối bác sĩ và yêu cầu về nhà điều trị, nếu tiếp tục quấy rối sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc.

DS. CHU TRANG NHUNG

(Theo Listverse.com - 12/2017)

Canabinoids giúp điều trị bệnh ngoài da

TS. Robert Dellavalle, chuyên gia da liễu, tác giả nghiên cứu cùng các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa việc tiêm tetrahydrocanabinol (THC) - hợp chất thần kinh và việc giảm khối u hắc tố ở chuột. Kết quả cho thấy, THC giảm viêm ở chuột và hiệu quả trong việc điều trị u ác tính. Thử nghiệm cũng được tiến hành với 21 người lớn bị ngứa bôi kem canabinoid 2 lần mỗi ngày trong vòng 3 tuần. Kết quả có 8 người đã hết ngứa hoàn toàn. Điều này cho thấy, canabinoid hiệu quả trong điều trị các chứng rối loạn da, đặc biệt là ngứa. TS. Dellavalle cho biết: “Phát hiện này mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh về da mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường có thể thay thế bằng cách sử dụng canabinoid tại chỗ”.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Da liễu Hoa Kỳ.

Quốc Cường

((Theo MNT tháng 4/2017))

Dấu hiệu viêm xoang

Khi bị đau nhức, mũi tiết ra dịch nhầy bất thường hoặc không cảm nhận được mùi, tức là xoang có vấn đề.

Bệnh rất phổ biến

Viêm xoang là bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, do hiện tượng nhiễm trùng của các xoang. Đây là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài.

Xoang có sự liên hệ mật thiết với mũi, và mũi là nơi tiếp xúc thường xuyên của cơ thể với môi trường bên ngoài cho nên khi môi trường không tốt sẽ gây mũi và một thời gian sau xoang cũng bị viêm. Viêm xoang là bệnh rất thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Và Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ viêm xoang khá cao, vì khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát sinh, phát triển. Bệnh thường xảy ra vào lúc giao mùa, nhất là mùa xuân và thường hay gặp ở người lớn, trẻ em ít bị viêm xoang hơn. Bệnh này dễ tái phát và thường phải điều trị trong một thời gian dài.

Dấu hiệu viêm xoang

Viêm xoang có 2 dạng chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm đa xoang.

Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh rất khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu.

các dấu hiệu

Những dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng.

Đau nhức:

Vùng xoang viêm có cảm giác đau nhức và tùy thuộc xoang bị viêm ở vùng nào thì cảm giác đau nhức sẽ xuất hiện ở vùng đó. Nếu bị viêm xoang hàm sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng má, viêm xoang trán thì đau nhức khu vực ở giữa 2 lông mày và đau trong một khung giờ nhất định. Nếu viêm xoang sàng trước thì người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở giữa 2 mắt, nếu viêm xoang sàng sau và xoang bướm sẽ cảm thấy nhức trong sâu và vùng gáy.

Hiện tượng chảy dịch:

Khi xoang bị viêm, thường có hiện tượng chảy dịch, dịch nhày có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm. Nếu bệnh nhân bị viêm xoang trước dịch sẽ chảy ra mũi trước, nếu bị viêm xoang sau dịch chảy xuống họng. Khi bị chảy dịch, mũi bệnh nhân luôn phải khụt khịt hay cảm thấy khó chịu ở cổ họng, muốn khạc nhổ liên tục. Tùy vào tình trạng mức độ của bệnh mà dịch sẽ có màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh, có mùi hôi cực kỳ khó chịu.

Nghẹt mũi:

Đây là hiện tượng đặc trưng không thể thiếu khi bị viêm xoang. Người bệnh có thể bị nghẹt 1 hay cả 2 bên, đồng thời thấy khó thở, khó chịu trong người và mệt mỏi.

Điếc mũi:

Khi xoang bị viêm, nếu không được chữa trị sớm và tích cực thì bệnh sẽ trở nên nặng, nó gây phù nề nhiều, người bệnh không còn phân biệt được mùi khi ngửi do thần kinh khứu giác không còn cảm nhận được mùi.

Ngoài ra, viêm xoang còn có thể có một số dấu hiệu khác như đau đầu, có thể có sốt nhẹ hay sốt cao, khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau xung quanh vùng mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập. Đau nhức mỗi khi hắt hơi mạnh, người bệnh không thể tập trung, không muốn ăn. Nếu viêm xoang nặng có thể bị viêm thần kinh mắt dẫn tới mờ mắt.

Viêm xoang là bệnh không thể chữa bằng vài liều thuốc kháng sinh đơn giản, qua loa mà phải tuân thủ quy trình và thời gian điều trị của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng bằng những loại thuốc đặc trị để có hiệu quả tốt nhất.

BS. HỒ VĂN CƯNG

Bệnh ảo giác ở người già: Phòng tránh và chữa trị

Bệnh ảo giác ở người già(Hallucination) là căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, một số giác quan của con người bị rối loạn làm cho người bệnh rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Đề cập về căn bệnh này, tạp chí Live Strong của Mỹ vừa cập nhật 6 điều cần biết để phòng tránh chữa trị, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người trong cuộc.

Bệnh ảo giác là gì?

Bệnh ảo giác đôi khi còn gọi là chứng ảo giác giác quan (Sensory hallucination), trong đó giác quan bị rối loạn, người trong cuộc tưởng như mình nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy những việc mà thực tế lại không có thật. Chính những ảo giác này làm họ lo lắng, sợ hãi và tìm cách đối phó hoặc chạy trốn. Thậm chí có người còn nghe thấy giọng nói hoặc người vô tình ở ngay trong thân xác của bản thân họ, điều khiển họ làm những việc nguy hiểm như tấn công người khác, có người còn cảm thấy đang bay bổng rơi xuống vực thẳm sâu. Nhóm người này còn có những chứng bệnh khác đi kèm như ảo thị, ảo thính, ảo vị, ảo khứu giác.

Bệnh ảo giác

Nguyên nhân gây chứng ảo giác

Trước tiên những người mắc phải căn bệnh này thường đi kèm chứng sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, bị mù hoặc bị điếc, mắc phải những căn bệnh trầm trọng khác liên quan đến não bộ, đặc biệt là khối u não, gan thận bị suy yếu không làm được chức năng vốn có, bị trúng độc, hoặc bị rối loạn tâm lý hoặc do thay đổi một số loại thuốc chữa bệnh, bị nhiễm trùng, bị bệnh tim mạch hoặc bị chấn thương. Ngoài ra còn co những lý do tâm thần làm cho bệnh tình gia tăng, ví dụ như: ảo giác thấy người thân qua đời nay hiện về khuyên nhủ; nghiện thuốc kích thích, rượu bia cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh. Chứng ảo thị thường là do ngộ độcrượu, ma túy, cocain, nhiễm độc chất salicylat, u-rê máu tăng vọt, do mắc bệnh sa sút trí tuệ thể nhẹ Alzheimer… Chứng ảo thính thường làm cho bệnh nhân khó chịu buồn bực dẫn đến suy luận, cho rằng người khác nói xấu mình. Chứng ảo vị, ảo khứu là căn bệnh sai lệch về mùi vị, xúc giác, thường xuất hiện ở nhóm người nghiện ma túy. Đôi khi người bệnh cảm thấy những bộ phận trong cơ thể chuyển động hay có những vật gì đó đang di chuyển trong người.

Không nên để những người già mắc chứng ảo giác sống một mình

Những người mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạngvì vậy không nên để họ sống cô đơn, một mình. Những người này cần được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, kể cả ăn uống, thuốc thang cho đến những tình huống cầnđược cấp cứu gấp. Nếu cần có thể đưa những người này vào các trung tâm điều trị chuyên nghiệp hoặc được kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc cũng như các khuyến cáo thường xuyên.

Hội chứng Chalres Bonnet Syndrome (CBS)

CBS là căn bệnh nói về tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân mắc bệnh về thị lực, từ đó phát sinh ra những hiện tượng về ảo giác. Đây cũng là căn bệnh thường gặp ở nhóm người cao niên mắc bệnh nghiêm trọng về mắt. Nếu bị hội chứng CBS thì nguy cơ bị ảo thị rất cao, tuy nhiên mức độ mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng người. Trước tiên những người này sẽ nhìn thấy những dòng kẻ ngang trên những đồ vật mà họ nhìn thấy (gọi là trường thị giác) hoặc chim bay, đồ vật bay trước mắt mà thực tế chẳng có gì. Ngoài ra còn yếu tố khách quan tác động, ví dụ ánh sáng tự nhiên mờ ảo làm tăng, giảm chứng ảo giác vì vậy mà những người mắc bệnh thị lực càng nặng thì chứng ảo thị lại càng nan y, trầm trọng.

Ảo giác và ảo tưởng

Nhóm người cao tuổi có rủi ro mắc chứng ảo giác là rất cao. Nhẹ thì ảo mộng, suy giảm thị lực, mê sảng, suy giảm trí nhớ và nặng thì thấy những ánh hào quang, ngất xỉu, đau nửa đầu và ảo tưởng liên tục. Điều quan trọng là cần khám và giải mã những bí ẩn của chứng gián đoạn cảm giác và ảo giác thực. Ngoài ra, cũng phải phân biệt giữa ảo giác thực và bệnh ảo tưởng. Riêng ảo tưởng là căn bệnh thường gặp ở nhóm người mắc bệnh rối loạn tâm thần và “cặp” với căn bệnh ảo giác. Tuy nhiên, chứng ảo tưởng này không phải là dạng bệnh rối loạn ảo giác mà nó liên quan đến trí óc, tâm trí cũng như quá trình suy nghĩ của người bệnh.

Làm gì để giảm thiểu bệnh ảo giác ở người già?

Ảo giác là căn bệnh chứa đựng nhiều bí ẩn đến nay chưa khám phá hết nên kết quả điều trị vẫn còn hạn chế, vì vậy việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp này bác sĩ thường khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như nhiễm trùng nặng, cơ thể mất nước, bị ngộ độc, đường huyết giảm, bị động kinh, bị bệnh tim mạch, bị chấn thương hoặc có u ở não... Tùy theo trạng thái sức khỏe tâm thần của người bệnh, bác sĩ có thể khuyến cáo cách điều trị như: dùng thuốc an thần, thuốc bổ não hoặc chuyển họ tới bác sĩ chuyên khoa.

KHẮC NAM

(theo LSC)

Giải thoát khôi u `mai rùa` gần 15kg trên lưng nam thanh niên 26 năm

Thành công này đã giúp cho Vinh không còn mang trên mình chiếc “mai rùa” trên lưng suốt 26 năm, không còn những cơn đau buốt “thấu tim gan”, trong những ngày cuối tháng 12 này...

Khối u bướu "mai rùa" trên lưng bệnh nhân Vinh đã 26 năm qua Ảnh BVCC

Sau phẫu thuật, niềm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt chàng trai Nguyễn Đình Vinh. “Em như được sinh ra lần thứ hai. Lúc em tỉnh dậy không còn khối u khổng lồ trên lưng, em cứ ngỡ như đang mơ. Lần đầu tiên em được nằm ngủ như người bình thường sau 26 năm”- Vinh nói trong nụ cười rạng rỡ bởi tước đó, phải mang trên lưng khối u khổng lồ, Vinh không thể nằm ngủ như người bình thường bởi những cơn đau buốt kéo dài, nhất là mỗi khi trở trời.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà, – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt- Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Nguyễn Đình Vinh nhập viện với chẩn đoán u xơ thần kinh lớn vùng lưng chiếm hơn 1/3 trọng lượng cơ thể toàn trạng gày yếu, suy dinh dưỡng, thiếu máu mạn tính có bệnh lý suy thận phối hợp, khối u có kích thước khổng lồ và đặc biệt nguy hiểm ở chỗ các mạch máu tăng sinh rất nhiều và kích thước mạch máu lớn, nhiệt độ ở khối u lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ của cơ thể 2-3 độ.

Kíp phẫu thuật phải mất 7 giờ đồng hồ để giải thoát khối u bướu "mai rùa" cho bệnh nhân

Sau khi làm các xét nghiệm chụp phim, hội chẩn liên chuyên khoa, ngày 13/12/2017, ca mổ đặc biệt đã được thực hiện với sự kết hợp của nhiều chuyên khoa gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Bệnh nhân được các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chụp và nút mạch máu khối u trước mổ.

Sau gần 7 giờ phẫu thuật, ê kíp đã lấy được khối u kích thước nặng gần 15 kg. Tiếp đó, do khối u quá lớn, chiếm toàn bộ vùng lưng nên sau khi cắt bỏ để lại khuyết qua rất lớn, các bác sĩ phải sử dụng biện pháp ghép da lấy từ 2 bên đùi để che phủ toàn bộ vùng lưng.

TS.BS Đào Văn Giang một thành viên của ê kíp phẫu thuật cho biết thêm, ca phẫu thuật cho bệnh nhân Vinh gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Thứ nhất, bệnh nhân không thể nằm ngửa do khối u quá lớn, các bác sỹ khoa Gây mê hồi sức đã phải gây mê cho bệnh nhân trong tư thế ngồi sau đó chuyển bệnh nhân sang bàn mổ để tiến hành phẫu thuật.

Sau gần 7 giờ phẫu thuật các bác sỹ đã bóc tách được khối u khổng lồ kích thước nặng gần 15kg

"Thứ 2, trong quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên phải sử dụng các phương tiện dụng cụ hiện đại dao siêu âm, clip cầm máu tự động để cầm máu trong mổ cũng như mổ đến đâu hàn mạch đến đó, tránh chảy máu ồ ạt và bóc tách khối u một cách khéo léo.

Thông thường loại dao đặc biệt này chỉ dùng trong các phẫu thuật cắt gan vì đây là một phẫu thuật thường chảy máu rất nhiều và dữ dội, nhờ vậy, bệnh nhân chỉ mất một lượng máu khoảng trên 1 lít trong mổ"- TS Đào Văn Giang nói.

Sau hai tuần phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, không còn thiếu máu, vạt da và da ghép che phủ vùng lấy u sống tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong một hai ngày tới.

Kể về hành trình gian nan đã qua, chú Nguyễn Đình Tám – chú ruột của bệnh nhân Nguyễn Đình Vinh kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian 26 năm em phải mang khối u khổng lồ trên lưng, với những cơn đau buốt kéo dài.

Bệnh nhân Vinh vui mừng vì sau ca phẫu thuật anh đã có thể nằm ngủ như bình thường

“Bố của Vinh bị bệnh tâm thần, mẹ em bị tại nạn giao thông mất sức lao động nhưng vẫn phải gánh vác trụ cột gia đình, nay Vinh được cắt bỏ hoàn toàn khối u, với gia đình tôi, niềm vui này quá đỗi lớn lao”- ông Tám nói.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết: bệnh u xơ thần kinh được phân làm bốn nhóm chính (NF1, NF2, u xơ thần kinh khư trú, Swanchnoma,…), trong đó nhóm NF1 hay gặp nhất và thường được gọi là bệnh Von Recklinghausen (VR).Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể, và thường có tính chất di truyền có bố mẹ hoặc anh chị em cùng bị bệnh, triệu chứng đầu tiên thường là những nốt sẫm màu trên da như vết chàm hay nốt café sữa trên khắp cơ thể. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và tiền sử gia đình. Một số biến thể của u xơ thần kinh phát triển ác tính (chiếm 8-12%) cần có xét nghiệm để kiểm tra như: nội soi lấy u phía trong cơ thể, làm giải phẫu bệnh khối u trên da. Chẩn đoán hình ảnh thường dùng MRI hoặc CT.

Thái Bình

Tuổi thọ người dân Mỹ giảm

Trong năm 2016, tuổi thọ trung bình của toàn thể người dân Mỹ là 78,6. Con số này thấp hơn 0,1 năm so với năm 2015. Tuổi thọ của nam giới gi...